Thầy Hồ Gia Thụy – Giảng viên tại ILP

thầy thụy - giảng viên tại ilp học viện ielts 8

Học hành cũng như ăn uống vậy: càng từ tốn và kỹ càng thì càng thoải mái cho cơ thể về sau

Chào mọi người, mình là Thụy, đến từ Đà Nẵng. Khi đi dạy thì mình thường “hoá thân” thành nhiều kiểu người khác nhau để lớp học trở nên vui vẻ, bớt nhàm chán. Tuy nhiên phương châm giảng dạy của mình thì luôn luôn chỉ có một: “Hãy học làm sao để bạn tự tin hơn cả điểm số thể hiện trên bằng cấp.”

Học ngoại ngữ hiển nhiên là một hành trình đầy thử thách. Số lượng người bỏ cuộc khi đã đạt đến trình độ trung cấp thì không hề ít. Bạn sẽ luôn cảm thấy mình chưa đủ giỏi, và trong tim luôn thôi thúc phải đạt được điểm số thật cao ở một bài thi bất kỳ như TOEIC hoặc IELTS, để chứng minh với thế giới rằng bạn làm được, và cũng để nhanh chóng “giải thoát” bản thân khỏi hành trình học ngoại ngữ dài đằng đẵng này.

Tuy nhiên việc đạt được điểm số cao trong thời gian ngắn lại thật sự là một con dao hai lưỡi. Tại sao vậy nhỉ?

Mình thấy chuyện học hành và ăn uống có khá nhiều điểm tương đồng. Bạn ăn từ tốn hay ăn vội vàng thì thức ăn đều sẽ nằm hết trong bụng, tuy nhiên về đường dài thì cách ăn nào tốt cho hệ tiêu hoá và sức khoẻ hơn, chắc bạn cũng đã rõ.

Tương tự, không phải cứ học nhiều và liên tục nhồi nhét thì tốt cho não bộ và tinh thần. Không phải một người học 10 tiếng mỗi ngày thì sau đó người ta sẽ giỏi gấp đôi một người học 5 tiếng mỗi ngày. Cũng không chắc hôm nay bạn học nhiều hơn hôm qua thì hôm nay hiệu suất của bạn tốt hơn. Thế nên đừng cố ép bản thân phải “gồng” trong thời gian quá ngắn.

Hãy học làm sao để điểm số trên tấm bằng thể hiện chính xác con người của bạn ở hiện tại

Tất cả điểm số của bạn trên bài thi đều là điểm số lúc bạn đang ở đỉnh rơi phong độ tốt nhất: nghĩa là bạn đã liên tục ôn tập và giải đề trước kì thi, bạn nắm rõ các cấu trúc và dạng đề, bạn tự canh được thời gian cho từng phần v.v… Đáng tiếc là, không phải ai cũng luôn giữ được phong độ này trong một thời gian dài.

Ví dụ đơn giản, nhiều bạn sinh viên vì muốn đạt điểm cao trong vòng 1 năm, thậm chí là chỉ trong vài tháng, nên đã cày ngày đêm để đạt được điểm số tiếng Anh mong muốn (7.0 chẳng hạn). Một khi kỳ thi IELTS kết thúc, các bạn nhanh chóng quay trở lại tập trung vào các môn chuyên ngành mà lơ là việc sử dụng tiếng Anh.

Sau hơn một năm, các bạn tốt nghiệp và cầm tấm bằng IELTS đi xin việc. Nhà tuyển dụng lúc này nhìn thấy bảng điểm khá cao nên nhận vào rồi giao cho bạn nhiều tài liệu khó nhằn, vì người ta tin tưởng rằng con số 7.0 IELTS kia là trình độ hiện tại của bạn ngay-lúc-này.

Chỉ có bản thân bạn hiểu rằng, điểm số đó là thành tích học nhồi trong quá khứ, chứ không phải con người của bạn bây giờ. Nếu công ty bất ngờ nói rằng: bạn phải ngồi đó giải một đề IELTS mới, lúc này bạn có cảm thấy hoảng sợ?

Để vượt qua điều đó, hãy cứ bình tĩnh và thoải mái trong việc học. Đặc biệt bạn nên học đều đặn mỗi ngày hoặc mỗi tuần như một thói quen, để kiến thức theo bạn suốt đời.

Nếu làm được như vậy, thì cho dù bây giờ bạn có phải chạy thẳng đến phòng thi IELTS để thi ngay lập tức đi nữa, thì bạn vẫn sẽ bình tĩnh đối diện mà không hề lo lắng. Vì lúc này bản thân bạn đã tích lũy được khối lượng kiến thức vững chắc sau một khoảng thời gian dài nhất định.

Việc học không phải là một cuộc đua, bạn không cần cạnh tranh với ai cả

Bạn học nhanh hay chậm hơn người khác cũng chẳng được gì, người duy nhất bạn cần liên-tục-so-sánh là bản thân của ngày hôm qua. Sẽ có những ngày bạn rất nản, cảm thấy tụt mood không phanh.

Tuy nhiên hãy cứ cố gắng ngồi vào bàn học, học 30 phút thôi cũng được, học 5 từ mới thôi cũng được, miễn sao bạn biết thêm được điều gì đó mới so với ngày hôm qua. Việc học là một việc khó, bạn làm được thì bạn nên tự hào.

Thầy Hồ Gia Thụy, 

Giảng viên tại ILP.