GIẢI MẬT BÀI THI IELTS (P3)

Trong quá trình học và luyện thi IELTS, các bạn học viên có thể nghe nhiều thông tin từ nhiều nguồn, khiến các bạn bối rối và mất định hướng.

Trong bài viết này, Thầy Triết trình bày quan điểm cá nhân về những lời đồn quanh bài thi, và những chia sẻ về Academic & General Training, giúp các bạn hiểu rõ vấn đề, tập trung học và luyện thi IELTS hiệu quả.

IELTS General Training & Academic

Bài thi IELTS có 2 phiên bản: General Training (tổng quát) và Academic (học thuật). Phiên bản General Training thường dành cho mục đích định cư hoặc nghề nghiệp, phiên bản Academic dành cho học tập.

Một học viên hỏi thầy, ‘nếu đăng kí thi Academic chung ngày với General Training thì đề sẽ dễ hơn phải không?’. Thầy trả lời, ‘không có thông chính thức khẳng định điều đó’.

Dễ hay khó là cảm nhận chủ quan và không có thông tin chính thống khẳng định điều này. 

Cá nhân thầy cho rằng, miêu tả quá trình (process) hay bản đồ (map) trong bài thi IELTS Academic cũng không khác yêu cầu viết thư (letter) trong bài thi IELTS General Training. 

Đó dĩ nhiên chỉ là cảm nhận chủ quan của Thầy Triết, có thể các bạn cũng nghĩ giống vậy, có thể khác.

Một số “test myths”

Những lời đồn thổi về bài thi được gọi là “test myths”, tạm hiểu là ‘những điều bí ẩn’ hay ‘những chuyện hoang đường’. Những thông tin này không thể kiểm chứng và thường do một nhóm người cố ý lan truyền trong cộng đồng. 

Trong quá trình học và luyện thi IELTS, có thể thí sinh sẽ gặp đâu đó vài “test myths” như sau:

  • “thi chỗ này dễ, thi chỗ kia khó”
  • “BC lộ đề; người kia mua được đề”
  • “ngày này đề dễ, ngày kia đề khó”
  • “đề ngày càng khó, đề ngày càng dễ”
  • “thi ở IDP thì dễ hơn BC (và ngược lại)”
  • “học sách này trúng đề, học sách kia trật tủ”
  • “giám khảo chỗ này dễ, chỗ kia khó tính”
  • “thầy đó, cô kia từng là cựu giám khảo”
  • “lộ đề môn nói, lộ đề môn viết”

Các bạn cần lưu ý rằng, dù được thương mại hóa, IELTS vẫn là bài thi chuẩn hóa quốc tế và kết quả thi được 99% các trường đại học, cơ sở giáo dục hoặc cơ quan di trú trên thế giới công nhận.

Để bài thi IELTS tồn tại và được chấp nhận hơn 30 năm qua, tổ chức quản lý bài thi đảm bảo được tính chính xác, độ tin cậy và bảo mật rất cao đối với nhiều đối tượng khắp thế giới. 

Thỉnh thoảng, có thể thí sinh sẽ gặp một bài đọc, bài nghe hay đề thi nói có vẻ giống như bài mình đã học đâu đó. 

Bên dưới là ví dụ đề thi IELTS Writing Task 2

  • 08/02/2020: The use of social media is replacing face-to-face interaction among many people in society. Do you think the advantages outweigh the disadvantages?
  • 16/12/2017: The use of social media, such as Facebook or Twitter, is replacing face-to-face contact in this century. Do you think the advantages of this way outweigh the disadvantages?

Đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên và cũng rất bình thường vì chung quy, chỉ có bấy nhiêu cụm chủ đề. Những lời đồn thổi và thông tin từ các diễn đàn và mạng xã hội thường không đáng tin cậy. 

Mấu chốt vấn đề là các bạn cần tập trung học đúng kiến thức và kĩ năng tiếng Anh cốt lõi.

Lời khuyên

Để chuẩn bị cho bài thi IELTS, các bạn nên có kế hoạch học tập phù hợp với mục tiêu và năng lực bản thân, chỉ sử dụng các tài liệu học tập chính thống từ nhà xuất bản lớn của Anh – Mỹ, như Cambridge University PressOxford University PressCengage LearningMacmillan Education hay Pearson.

Việc học tập nghiêm túc, đúng hướng và đúng phương pháp sẽ giúp các bạn học viên không những đạt kết quả tốt, mà còn đảm bảo nền tảng kiến thức và kĩ năng tiếng Anh vững chắc cho tương lai học tập, du học, định cư và làm việc.

IELTS: GIẢI MẬT BÀI THI IELTS (P1)

IELTS: GIẢI MẬT BÀI THI IELTS (P2)